Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012


“Đừng chống lại việc cử hành và chầu Thánh Thể”


Dưới đây là bản dịch bài huấn tử của ĐTC. Bênêđictô XVI về việc tôn thờ Thánh Thể trong Lễ Corpus Domini (Corpus Christi) vào chiều thứ năm, ngày 7 tháng 6, năm 2012 ở sân trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô, sau đó rước Thánh Thể từ nhà thờ chính tòa Roma đến Vương Cung Thánh Đường Thánh Đức Bà Cả.

Anh chị em thân mến,

Chiều nay tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về hai khía cạnh liên hệ với nhau của Mầu Nhiệm Thánh Thể: tôn thờ Thánh Thể và đặc tính thánh thiêng của Thánh Thể. Điều quan trọng là chúng xem lại một lần nữa để bảo vệ chúng khỏi những quan điểm thiếu sót về chính Mầu Nhiệm này, chẳng hạn như những quan điểm được đưa ra trong quá khứ gần đây.

Trước hết, một suy nghĩ về giá trị của việc kính thờ Thánh Thể, đặc biệt là việc tôn thờ Bí Tích Cực Trọng. Đây là kinh nghiệm mà chúng ta cũng sẽ trải qua ở đây sau Thánh Lễ, trước cuộc rước, trong lúc rước kiệu và khi kết thúc. Một giải thích đơn phương về Công Đồng Vatican II đã làm tổn thương đến chiều kích này qua việc giới hạn thực hành Thánh Thể vào những lúc cử hành phụng vụ. Thật ra, nhận thức được đặc tính trung tâm của việc cử hành phụng vụ là điều rất quan trong, vì trong đó Thiên Chúa mời gọi dân Ngài, quy tụ họ lại chung quanh bàn tiệc gồm có hai phần là Lời Chúa và Bánh Ban Sự Sống, nuôi dưỡng và kết hợp họ với Chính Ngài trong việc dâng Hy Lễ. Sự đánh giá này về việc tụ họp phụng vụ, trong đó Chúa họat động và thể hiện Mầu Nhiệm Hiệp Thông cùa Người, đương nhiên vẫn còn giá trị, nhưng phải được đánh giá một cách cân bằng.

Thật vậy, như thường xảy ra, việc nhấn mạnh đến một khía cạnh sẽ đưa đến việc hy sinh những khía cạnh khác. Trong trường hợp này, việc nhấn mạnh đến cử hành Bí Tích Thánh Thể đã làm phương hại đến việc tôn thờ Thánh Thể, như một hành động của đức tin và cầu nguyện dâng lên Chúa Giêsu, là Đấng hiện diện thật trong Bí Tích Bàn Thờ. Sự thiếu cân bằng này cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của các tín hữu. Thật vậy, việc chỉ tập trung toàn thể liên hệ với Chúa Giêsu Thánh Thể trong thời gian Thánh Lễ, có thể đưa đến nguy cơ tách rời sự hiện diện của Người ra khỏi những thời gian và không gian khác của cuộc sống. Và như thế, người ta sẽ ít ý thức về sự hiện diện liên tục của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta và với chúng ta, một sự hiện diện cụ thể, gần gũi ngay trong nhà chúng ta, như “Trái Tim rộn ràng đập” của thành phố, của xứ sở, của lãnh thổ với những cách diễn tả và hoạt động khác nhau của nó. Bí Tích Bác Ái của Đức Kitô phải thấm nhuần vào toàn thể cuộc sống hằng ngày.

Thực ra, việc đặt ra sự tương phản giữa cử hành phụng vụ và tôn thờ Thánh Thể, như thể hai việc này cạnh tranh với nhau, là một điều sai lầm. Điều ngược lại mới đúng: việc tôn thờ Thánh Thể là một “môi trường” tinh thần mà trong đó cộng đồng có thể cử hành Thánh Lễ một cách tốt đẹp và trong chân lý. Vì chỉ khi nào được đi trước, đi kèm và đi theo bằng thái độ đức tin và tôn thờ nội tâm này, hành động phụng vụ mới có thể bày tỏ ý nghĩa và giá trị đầy đủ của nó. Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu trong Thánh Lễ được thể hiện thật sự và đầy đủ khi cộng đoàn nhận ra rằng trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa đang sống trong nhà của Người, đang chờ đợi chúng ta, mời gọi chúng ta đến bàn tiệc của Người, và sau khi cuộc tụ họp đã giải tán, Chúa vẫn còn ở cùng chúng ta, với sự hiện diện kín đáo và thầm lặng của Người, và Người vẫn đồng hành với chúng ta bằng lời chuyển cầu của Người, bằng việc tiếp tục thu góp những hy lễ thiêng liêng của chúng ta và dâng chúng lên Đức Chúa Cha.

Về điều này, tôi muốn nhấn mạnh đến những kinh nghiệm mà chúng ta cũng sẽ cùng nhau trải qua tối nay. Vào lúc chầu Thánh Thể, tất cả chúng ta đều bằng nhau qua việc quỳ trước Bí Tích Tình Yêu. Chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác kết hợp với nhau trong việc tôn thờ Thánh Thể. Đây là một kinh nghiệm rất tốt đẹp và rất quan trọng mà chúng ta đã cảm nghiệm nhiều lần ở Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, và cũng trong những buổi canh thức không thể quên được với những người trẻ: như những buổi canh thức ở Cologne, London, Zagreb và Madrid. Thật rõ ràng đối với tất cả mọi người là những giây phút canh thức cầu nguyện Thánh Thể chuẩn bị cho việc cử hành Thánh Lễ, chuẩn bị tâm hồn cho cuộc gặp gỡ, để nó trở nên hữu hiệu hơn. Sống cùng nhau trong một thời gian im lặng dài trước sự hiện diện của Chúa trong Bí Tích của Người là một trong những kinh nghiệm đích thực nhất của việc chúng ta là Hội Thánh, được đi kèm một cách bổ túc với việc cử hành Thánh Lễ, lắng nghe Lời Chúa, ca hát, cùng nhau đến gần bàn Bánh Ban Sự Sống. Sự hiệp thông và chiêm niệm không thể tách rời nhau được, chúng cùng đi với nhau. Để thật sự hiệp thông với người khác, tôi phải biết biết người ấy, tôi phải có khả năng sống trong im lặng, để lắng nghe người ấy và để nhìn ngắm nhìn người ấy bằng tình yêu. Tình yêu đích thực và tình bằng hữu chân thật luôn sống trong cái nhìn trao đổi, cái im lặng cao độ, hùng hồn đầy tôn trọng và sùng kính này, để cuộc gặp gỡ được sống một cách sâu xa, một cách cá nhân nhưng không hời hợt. Và tiếc thay, nếu thiếu chiều kích này, ngay cả chính sự hiệp thông bí tích, đối với chúng ta, cũng có thể trở thành một cử chỉ bề ngoài. Thay vào đó, trong sự hiệp thông thật, được chuẩn bị bằng cầu nguyện đối thoại và bằng đời sống, chúng ta có thể thân thưa với Chúa bằng những lời tin tưởng, như những lời vừa được vang lên trong Thánh Vịnh Đáp Ca: “Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Thánh Vịnh 115 (116):16-17).

Giờ đây tôi muốn lướt qua khía cạnh thứ hai: tính chất thánh thiêng của Bí Tích Thánh Thể. Ở đây chúng ta ghi nhận rằng, trong quá khứ gần đây, có một sự hiểu lầm nào đó về sứ điệp thật sự của Thánh Kinh. Tính mới lạ của Kitô giáo về việc phụng tự đã bị ảnh hưởng bởi một não trạng thế tục nào đó của những thập niên sáu mươi và bảy mươi của thế kỷ trước. Điều chân thật, và vẫn còn có giá trị, là trọng tâm của việc phụng tự giờ đây không còn là các nghi lễ và hy lễ xưa kía, nhưng là chính Đức Kitô, trong con người của Người, trong cuộc đời của Người và trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Tuy nhiên, từ sự mới lạ cơ bản này, người ta không được phép kết luận rằng sự thánh thiêng không còn nữa, nhưng nó tìm thấy sự viên mãn trong Đức Chúa Giêsu Kitô, Tình Yêu Thiên Chúa Nhập Thể. Thư gửi Tín Hữu Do Thái mà chúng ta vừa nghe trong Bài Đọc Thứ Hai chiều nay, nói cho chúng ta một cách chính xác về tính mới lạ của chức tư tế của Đức Kitô, “Vị Thượng Tề của những điều tốt lành sẽ đến” (Dt 9:11), nhưng không nói rằng chức tư tế đã hết. Đức Kitô là “Đấng Trung Gian của giao ước mới” (Dt 9:15), được thiết lập trong máu của Người để thanh tẩy “lương tâm chúng ta khỏi những việc làm của sự chết” (Dt 9:14). Người không xóa bỏ điều thánh thiêng, nhưng làm cho nó nên hoàn hảo, bằng cách khai trương một cách thờ phượng mới, hoàn toàn tinh thần, nhưng, bao lâu chúng ta còn lữ hành trong thời gian, chúng ta vẫn còn phải sử dụng các dấu hiệu và nghi lễ, là những điều chúng ta sẽ không cần nữa vào ngày sau hết, ở Giêrusalem trên trời, nơi sẽ có không còn đền thờ nữa (Kh 21:22). Nhờ Đức Kitô, điều thánh thiêng trở nên thật hơn, mạnh hơn, và, như đã xảy ra cho các Giới Răn, cũng đòi hỏi nhiều hơn! Chỉ làm theo nghi lễ mà thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cần thanh luyện tâm hồn, và thực hành trong đời sống.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng điều thánh thiêng có một chức năng giáo huấn và sự biến mất của nó chắc chắn sẽ làm cho nền văn hóa ra nghèo nàn, đặc biệt là việc đào tạo các thế hệ mới. Thí dụ, nếu nhân danh niềm tin thế tục, chúng ta không còn cần những dấu hiệu thánh thiêng, chúng ta bãi bỏ cuộc rước Mình Máu Thánh Chúa trong thành phố này, thì bộ mặt tinh thần của thánh Roma sẽ bị “san bằng” và lương tâm cá nhân cùng cộng đồng của chúng ta sẽ bị yếu đi. Hoặc chúng ta hãy nghĩ về một người mẹ hay một người cha, nhân danh một đức tin mà sự thánh thiêng đã bị loại ra ngoài, làm cho con em mình bị tước đoạt tất cả mọi nghi lễ tôn giáo: trên thực tế, kết cuộc họ sẽ để cho nó thành một cách đồng hoang cho nhiểu sự thay thế khác đang hiện diện trong xã hội tiêu thụ, những nghi thức và dấu chỉ khác, là những điều có thể trở thành những thần tượng một cách dễ dàng hơn. Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã không làm như vậy đối với nhân loại: Ngài đã sai Con Ngài vào thế gian không phải để phá bỏ, nhưng để làm tròn điều thánh thiêng. Ở cao điểm của sứ mệnh này, trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã lập bí tích Mình và Máu Người, Tưởng Niệm Hy Lễ Vượt Qua của Người. Bằng cách đó, Người đặt Mình ở vị thế những hy lễ cổ xưa, nhưng Người đã làm trong một nghi lễ, mà Người đã truyền cho các Tông Đồ phải tiếp tục làm mãi mãi, là dấu chỉ tối cao của sự thánh thiêng thật, chính Người. Anh chị em thân mến, với đức tin này, chúng ta đang cử hành ngày hôm nay và mỗi ngày Mầu Nhiệm Thánh Thể và chúng ta tôn thờ Thánh Thể như trung tâm của cuộc sống chúng ta và con tim của thế giới. Amen.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

THÁNG KÍNH THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

NGÀY MỒNG HAI

CHÚA GIÊSU HỨA BAN MUÔN ƠN CHO AI TÔN THỜ TRÁI TIM CHÚA

Ai làm việc thì đáng lãnh công. Biết vậy, nên Chúa Giêsu đã hứa ban rất nhiều ơn cho những ai thành thực tôn thờ Trái Tim Chúa. Người hứa ban ơn chung cho mọi người, ban ơn riêng cho từng người, cho người nhân đức, cho kẻ tội lỗi, cho kẻ ốm đau, cho người khoẻ mạnh, cho kẻ đi tu, cho người phần đời, ai cũng được ơn dư dật của Trái Tim Chúa.

Tháng Magarita viết rằng: Tôi không sao kể hết những đặc ân Chúa Giêsu ban cho những ai tôn thờ Trái Tim Chúa, xin kể mấy đặc ân sau:

1. Cha sẽ ban những ơn cần thiết theo bậc sống mỗi người.

2. Cha sẽ ban bình an hoà thuận xuống gia đình chúng.

3. Cha sẽ yên ủi trong lúc chúng gian khổ.

4. Cha sẽ nên nơi ẩn náu an toàn cho chúng trong đời sống, nhất là giờ chết.

5. Cha sẽ đổ tràn ơn phúc trong các việc chúng làm.

6. Cha sẽ nên nguồn mạch, nên biển cả tình thương cho các tội nhân.

7. Nhờ kính Trái Tim Cha, linh hồn nguội lạnh sẽ nên sốt sắng.

8. Linh hồn sốt sáng sẽ nên trọn lành.

9. Cha sẽ chúc phúc cho những nhà nào đặt ảnh tượng và tôn kính Trái Tim Cha.

10. Cha sẽ cho các linh mục được ơn lay chuyển những tấm lòng cứng cỏi trở về cùng Chúa.

11. Ai khuyên người khác tôn sùng Trái Tim Cha, tên kẻ ấy sẽ được ghi vào Trái Tim Cha, không bao giờ bị xoá bỏ.

12. Cha sẽ ban ơn thống hối lúc cuối đời cho những ai Rước Lễ 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Nó sẽ không chết khi còn là kẻ thù nghịch Cha, hoặc không được lãnh các Bí tích sau hết. Trái Tim Cha sẽ là nơi nương náu an toàn cho chúng trong giờ chết.

Thánh tích

Marseille là thành phố rộng lớn và giàu có bên nước Pháp, đêm ngày hàng mấy trăm con tàu đi lại sầm uất. Năm 1722, chứng dịch nổi lên, người thành phố bị chết rất nhiều, người ta kéo nhau tản cư sang tỉnh khác, nhưng sau có lệnh cấm không ai được ra khỏi thành phố, sợ đem dịch đi nơi khác. Người còn lại trong thành rất lo về số phận mình. Số người chết mỗi ngày gia tăng. Các cửa hàng im lìm, phố vắng vẻ như chết. Tiếng khóc liên miên ngày đêm không dứt. Nạn nhân trước còn được chôn hẳn hoi, sau vì nhiều quá, người ta vất la liệt ngoài ngã ba đường phố; vì thế sinh nặng khí, và chứng dịch càng ra nặng hơn. Trong 4 tháng, thành phố chết tới 40.000 người.

Đức giám mục thành chạy đến cùng Trái Tim Chúa Giêsu và dâng mình cùng cả giáo dân trong địa phận mình cho Trái Tim Chúa. Người khấn mỗi năm một lần sẽ kiệu tượng Trái Tim Chúa trọng thể.

Ngày lễ Các thánh năm ấy, giáo dân sốt sáng rước tượng Trái Tim Chúa rất trọng thể. Từ đó chứng dịch nhẹ dần và ít lâu sau khỏi hẳn. Mấy năm sau, người ta không thấy ai chết vì chứng bệnh dịch nữa.

(Theo Sách Tháng Trái Tim Chúa Giêsu, NXB. Hiện Tại, 1969)

Nguồn tin: TTCG